1 năm đặc biệt của Cảng HKQT Vân Đồn - Sân bay khu vực hàng đầu thế giới 2020

Đại dịch Covid-19 bùng phát, tuy nhiên, sân bay Vân Đồn đã kiên cường vượt “bão”: tiên phong đón đồng bào từ các vùng dịch Covid-19 về nước, duy trì hoạt động khai thác thương mại, chỉnh trang diện mạo, hoàn thiện trang thiết bị kỹ thuật và dịch vụ...
1 năm đặc biệt của Cảng HKQT Vân Đồn - Sân bay khu vực hàng đầu thế giới 2020

Đầu năm 2020, khi thế giới đối mặt với đại dịch toàn cầu Covid-19, sân bay tư nhân của Tập đoàn Sun Group, khi ấy mới chỉ hơn 1 tuổi, đã trở thành một trong 3 sân bay đầu tiên nhận nhiệm vụ quan trọng: đón các chuyến bay đưa đồng bào từ các nước có dịch về Việt Nam.

Nhận nhiệm vụ được đánh giá là khá nặng nề với một sân bay còn non trẻ, song toàn thể cán bộ nhân viên, ban lãnh đạo sân bay Vân Đồn đã “vượt bão” thành công bằng việc xây dựng một quy trình hàng không nghiêm ngặt dành riêng cho việc đón tiếp các chuyến bay đặc biệt.

Kể từ chuyến bay tiên phong từ “tâm dịch” Vũ Hán hạ cánh đầu tháng 2/2020, đến nay, sân bay Vân Đồn đã đón 100 chuyến bay đưa gần 25.000 công dân Việt Nam từ các nước, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19 về nước. Không chỉ vậy, sân bay cũng thực hiện đưa đón hơn 80 chuyến bay với gần 15.000 lượt hành khách là đội ngũ chuyên gia, kỹ sư tay nghề cao của các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đến Việt Nam làm việc, tái thiết kinh tế.

Tất cả các chuyến bay từ các vùng dịch như Mỹ, châu Âu, Nga, Trung Quốc, các nước châu Á, châu Phi… đều được đón tiếp theo quy trình hàng không đặc biệt an toàn, không có ca lây nhiễm chéo nào ra cộng đồng.

Cùng với nghĩa vụ quốc gia đón các chuyến bay “giải cứu”, kể từ tháng 5/2020, sau khi được Chính phủ cho phép mở lại các đường bay thương mại trong nước, sân bay Vân Đồn đã ngay lập tức phối hợp với các hãng hàng không khai thác trở lại đường bay Vân Đồn – TP.HCM.

Việc khai thác các chuyến bay thương mại được thực hiện theo yêu cầu khắt khe về an toàn, phòng dịch: Tất cả hành khách đều khai báo y tế, thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang trong suốt hành trình di chuyển…

Đến hiện tại, dù còn gặp nhiều khó khăn song sân bay Vân Đồn cùng 2 hãng hàng không là Vietjet Air và Bamboo Airways vẫn khai thác ổn định đường bay Vân Đồn – TP.HCM với tần suất 1-2 chuyến khứ hồi vào các ngày trong tuần.

Bên cạnh đó, nhằm tăng cường thu hút khách, sân bay Vân Đồn cũng phối hợp với tỉnh Quảng Ninh đưa ra các gói ưu đãi hấp dẫn dành cho hành khách bay đi – đến như: Miễn phí vé thăm quan vịnh Hạ Long; miễn phí vé tham quan Khu di tích và danh thắng Yên Tử; Giảm 50% giá dịch vụ cáp treo tại Khu di tích và danh thắng Yên Tử; Miễn phí xe bus di chuyển sân bay Vân Đồn – Hạ Long – Dốc Đỏ (Uông Bí); giảm tới 50% giá vé vào các khu vui chơi giải trí, tham quan, nghỉ dưỡng tại các dự án thuộc hệ sinh thái của Sun Group trên toàn quốc…

Các hãng hàng không hay các đối tác doanh nghiệp cũng được hưởng mức ưu đãi hấp dẫn như: Giảm 100% phí phục vụ mặt đất cơ bản với đường bay quốc tế và giảm 70% với đường bay nội địa; Giảm 50% phí dịch vụ cất hạ cánh với đường bay quốc tế thường lệ…

Những nỗ lực để duy trì tần suất các chuyến bay thương mại của sân bay Vân Đồn cũng đã mang lại những kết quả tích cực. Riêng trong 2020, sân bay Vân Đồn đã đưa đón hơn 104.000 lượt hành khách di chuyển trên các đường bay thương mại trong nước. Theo ông Phạm Ngọc Sáu, đây là một nỗ lực đáng kể trong bối cảnh Vân Đồn là sân bay non trẻ và chỉ khai thác duy nhất đường bay Vân Đồn – TP.HCM do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Không chỉ kiên cường vượt qua đại dịch Covid-19, năm 2020 cũng là một năm chứng kiến sự lột xác của sân bay Vân Đồn khi sân bay chỉnh trang hoàn thiện toàn bộ diện mạo cảnh quan, mang đến không gian sinh thái xanh, thân thiện môi trường.

Hiếm có sân bay nào tại Việt Nam dành tới 2/3 diện tích cho các khoảng xanh sinh thái. Màu xanh bắt mắt của cây xanh, tiểu cảnh không chỉ mang tới không gian trong lành cho sân bay mà còn là nơi thư giãn cho hành khách trước mỗi chuyến bay dài.

Với những lợi thế vượt trội về trang thiết bị hiện đại, kiến trúc độc đáo và thân thiện với môi trường, năm 2020, sân bay Vân Đồn đã tạo nên cơn “địa chấn” trong lĩnh vực hàng không, du lịch, kiến trúc khi liên tục được xướng tên ở những giải thưởng uy tín của thế giới và khu vực.

Nếu tại giải thưởng được mệnh danh là “Oscar của ngành du lịch” - World Travel Awards – WTA,  “ứng viên” đến từ Quảng Ninh, Việt Nam đã xuất sắc vượt qua nhiều đối thủ “nặng ký” trong lĩnh vực hàng không thế giới như Sân bay quốc tế Chubu (Nhật Bản), Sân bay quốc tế Gimpo (Hàn Quốc), Sân bay London City (Anh)… để được vinh danh “Sân bay khu vực hàng đầu thế giới 2020”; “Sân bay khu vực hàng đầu châu Á 2020” và “Sân bay có hệ thống phòng chờ thương gia hàng đầu châu Á 2020”.

Thì đến cuối tháng 12, sân bay Vân Đồn lại khiến giới mộ điệu “thổn thức” khi được hệ thống giải thưởng kiến trúc thế giới Prix Versailles xướng tên tại “Giải thưởng đặc biệt thế giới cho sân bay có thiết kế ngoại thất xuất sắc”. Đây là năm đầu tiên giải thưởng kiến trúc thế giới Prix Versailles tôn vinh kiến trúc sân bay và cũng là lần đầu tiên, một sân bay của Việt Nam được trao giải thưởng danh giá này.

Theo ông Phạm Ngọc Sáu - Giám đốc Cảng HKQT Vân Đồn, 2020 là một năm đầy khó khăn thử thách, song cũng là năm chứng kiến sự trưởng thành, ngày một vững vàng của sân bay Vân Đồn với việc tiên phong đón những chuyến bay từ vùng dịch; chủ động chỉnh trang, hoàn thiện, nâng cấp chất lượng dịch vụ. Việc đón nhận loạt giải thưởng quốc tế uy tín chính là sự khẳng định của quốc tế đối với sân bay, không chỉ đưa sân bay thành cửa ngõ giao thương quan trọng kết nối vùng Đông Bắc Việt Nam với thế giới, mà còn ghi dấu ấn sân bay Vân Đồn trên bản đồ hàng không thế giới./.

Có thể bạn quan tâm