Mỗi tuần một cổ phiếu: HBC – bao giờ cho đến ngày xưa?

Mặc dù là “ông lớn” thứ 2 trong ngành xây dựng khi liên tiếp trúng thầu các dự án lớn nhưng cổ phiếu HBC của Hòa Bình lại đang giao dịch dưới mệnh giá, thấp hơn nhiều so với những cổ phiếu cùng ngành khác. Vậy vấn đề của HBC nằm ở đâu?
Mỗi tuần một cổ phiếu: HBC – bao giờ cho đến ngày xưa?

CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã: HBC) vừa công bố BCTC hợp nhất quý II/2020 với doanh thu đạt gần 3.000 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ. Sau khi trừ đi các chi phí (đã được tiết giảm đáng kể) Hòa Bình thu về gần 2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 96% so với quý II/2019

Lũy kế 6 tháng đầu năm công ty đạt 5.391,5 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 7,4 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lãi 175 tỷ nửa đầu năm ngoái, lần lượt thực hiện được 43% chỉ tiêu doanh thu và chỉ 6% chỉ tiêu lợi nhuận.

"Đại gia vay hộ"

Trong lần chia sẻ mới nhất về tình hình giữa đại dịch, nguyên Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải bày tỏ, năm 2020 Hòa Bình sẽ thay đổi đáng kể cơ cấu doanh thu, đặc biệt tăng tỷ trọng mảng xây dựng công nghiệp từ mức 4% (năm 2019) lên hơn 20%.

Nhìn vào đây có thể thấy quyết tâm từng bước lấy lại thương hiệu “siêu cổ phiếu” một thời của ban lãnh đạo Hòa Bình.Thực tế, về lợi thế cạnh tranh, thương hiệu Hòa Bình là không thể phủ nhận cùng với kinh nghiệm 20 năm thi công với hàng loạt dự án nổi bật tại thành phố lớn.

Đối với ngành dịch vụ, lịch sử phát triển và thương hiệu là vô cùng quan trọng. Đây cũng là điểm mạnh của Hòa Bình và nhiều khi cũng làm cho nhà đầu tư “say nắng”. Tuy nhiên, nếu “soi” kỹ về tài chính, Hòa Bình lại đang có những điểm trừ về dòng tiền, nhiều dấu hiệu báo động mà nhà đầu tư khó có thể bỏ qua.

Tính đến thời điểm 30/6/2020, tổng tài sản công ty vào mức 15.039 tỷ đồng. Đáng chú ý, lượng tiền mặt sụt giảm mạnh từ 574 tỷ đồng xuống còn 267 tỷ đồng trong nửa đầu năm, so với mức doanh thu hàng nghìn tỷ đồng thì đây là con số quá ít cùng với việc giá vốn hàng bán chiếm tới hơn 92% doanh thu đang thể hiện chất lượng lợi nhuận của Hòa Bình ở mức thấp khi công ty không thực tạo ra dòng tiền.

Trong 6 tháng đầu năm, lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh tiếp tục âm 421,3 tỷ đồng, dòng tiền thiếu hụt đồng nghĩa với việc nợ vay sẽ gia tăng và thực tế là nợ vay ngắn hạn của Hòa Bình đã tăng gần 200 tỷ đồng.

Đặc biệt, tính đến cuối quý II/2020 các khoản phải thu ngắn hạn giảm hơn 1.1000 tỷ đồng, trong khi phải trả lại giảm tới 1.600 tỷ đồng. Có ý kiến cho rằng, sự mất cân đối này đang thể hiện lượng vốn bị đối tác chiếm dụng ròng (phải thu) của Hòa Bình đang tăng 500 tỷ đồng chứ không hề giảm.

Vấn đề công nợ luôn là vấn đề nhức nhối nhất của Hòa Bình khi đang bị  chiếm dụng quá nhiều, tại ngày 30/6/2020, Hòa Bình ghi nhận 10.607 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn nhưng nợ phải trả ngắn hạn của công ty là gần 10.500 tỷ đồng, tron số này có gần 5.000 tỷ đồng là đi vay ngân hàng.

Nhận định về những con số này, một nhà phân tích cho rằng “ vay vốn ngân hàng rồi để người khác chiếm dụng mất thì chẳng khác nào đi vay hộ. Trong khi Hòa Bình vay tiền của ngân hàng phải trả lãi nhưng không thể thu khoản này từ khách hàng cũng không có tài sản đảm bảo, như vậy là cầm dao đằng lưỡi”.

Diễn biến cổ phiếu HBC trong 10 năm qua
Diễn biến cổ phiếu HBC trong 10 năm qua

Nỗi lo còn dài

Trong thời gian gần đây, Hòa Bình liên tiếp công bố những hợp đồng mới ký có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Nhìn bề nổi thì có vẻ như doanh nghiệp đang rất “ăn nên làm ra” nhưng nhiều khi trong kinh doanh “càng làm lại càng lỗ”.

Cũng theo nhà phân tích nói trên, thị trường xây dựng khá đặc thù bởi phụ thuộc vào tính chu kỳ của ngành bất động sản, biên lợi nhuận có thể sẽ bị bóp lại để trúng thầu, lãi vay thì vẫn gia tăng trong khi chi phí sử dụng vốn quá cao có thể kéo dài kết quẩ kinh doanh đáng thất vọng của doanh nghiệp.

Trong khi được biết, Hòa Bình sử dụng phương pháp hạch toán doanh thu và dự phòng phải thu ước theo tiến độ hợp đồng của riêng bộ phận kế toán cho khoảng 40-50% dự án.

Nếu chu kỳ kinh tế đột ngột đảo chiều, nợ xấu từ khách hàng và doanh thu của Hòa Bình có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì cách hạch toán này, từ đó ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trên sàn.

Còn nhớ, hồi cuối năm 2017 cổ phiếu HBC đã phải gánh chịu cơn “địa chấn” với hàng nghìn tỷ đồng vốn hóa “bốc hơi” khi xuất hiện thông tin Hòa Bình bị một đại gia “xù” khoản nợ 2.500 tỷ đồng.

Tại thời điểm đó, ông Lê Viết Hải và cả HĐQT Hòa Bình đều khẳng định kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đang tăng trưởng, hoạt động của tập đoàn hoàn toàn ổn định và phát triển theo đúng kế hoạch, thậm chí là rất tốt.

Đến nay, không rõ số phận của khoản nợ này thế nào nhưng có một thực tế là Hòa Bình đi vay ngày càng nhiều, kết quả kinh doanh thì không thể u ám hơn.

Với tình hình tài chính có nhiều điểm mờ và chu kỳ bất động sản đang gặp nhiều khó khăn nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo ngại với thị giá cổ phiếu HBC trên sàn chứng khoán. Cùng với đó là những đợt phát hành cổ phiếu khiến thị giá cổ phiếu HBC ngày càng bị pha loãng, từ một cổ phiếu lớn với mức giá 6x nay đã trôi về vùng giá 9.000 đồng/cp.

Theo đó, việc mua vào cổ phiếu HBC cho mục tiêu đầu tư dài hạn vẫn là điều gì đó thực sự xa vời, với những dạng cổ phiếu như HBC khi vào sai chu kỳ rấ khó để xác định một mức giá nào là rẻ.

Có thể bạn quan tâm